0909 999 888 500 Hùng Vương, phường 4, quận 5, TP.HCM

logo 2

VIỆN NGHIÊN CỨU ĐIỀU TRỊ

CÁC BỆNH HIỂM NGHÈO(Radiner)

vn english

iconcalhd 1

Hotline:

0915.7999 66

Trang chủ»Hoạt Động Khoa Học»Nghiên cứu thực nghiệm về khả năng chống tái nghiện (tính lệ thuộc tinh thần đối với morphine) của thuốc Cedemex

Nghiên cứu thực nghiệm về khả năng chống tái nghiện (tính lệ thuộc tinh thần đối với morphine) của thuốc Cedemex

  Lại Thuật*, Tạ Hải Nguyên*, Nguyễn Phú Kiều**, Hoàng Nhân Bân*

*Viện nghiên cứu dược lý  trường Đại học Y khoa Quảng Tây Trung Quốc.

            **Viện Nghiên cứu điều trị các bệnh hiểm nghèo Việt Nam

 

Tóm tắt:

Mục đích: Quan sát thuốc Cedemex có tác dụng chống tái nghiện (tính lệ thuộc tinh thần vào morphine) hay không.

Phương pháp: Sử dụng thí nghiệm “Sở thích vị trí có điều kiện”                                                 

 (CPP, Conditioned Place Preference) để thiết lập mô hình chuột nhắt lệ thuộc tinh thần vào morphine, đánh giá tác dụng chống lại tính lệ thuộc tinh thần vào morphine của thuốc Cedemex.

Kết quả: Các nhóm sử dụng Cedemex liều cao, trung bình, thấp phân biệt sau 5 ngày cho dùng thuốc liên tục, tiếp tục cho dùng Hydrocortisone,  thời gian chuột nhắt ở bên ngăn trắng đều không kéo dài, hành vi thích ngăn trắng  không lặp lại, đã trở thành sở thích vị trí không có điều kiện; Còn nhóm chuột nhắt sử dụng morphine và nhóm sử dụng nước muối sinh lý thời gian  bên ngăn trắng đều kéo dài rõ rệt, hành vi thích ngăn trắng được lặp lại.

Kết luận: Cedemex có tác dụng tương đối mạnh trong việc chống tái nghiện (tính lệ thuộc tinh thần vào morphine).

Từ khóa: Cedemex, morphine, thí nghiệm CPP, tính lệ thuộc tinh thần

         

          Nghiện ma túy là một bệnh mãn tính dễ lặp đi lặp lại ở não, trong đó chức năng và cấu tạo của hệ thống thần kinh đều có biến đổi, rất nhiều nghiên cứu thực nghiệm đã chứng minh kết luận này [1,2,3]. Lệ thuộc các chất nhóm Opi là một vấn đề nhức nhối của xã hội và y học. Nghiện các chất Opi chủ yếu biểu hiện dưới dạng nghiện sinh lý (lệ thuộc thể chất) và nghiện tâm lý (lệ thuộc tinh thần). Nghiện sinh lý biểu hiện thành sự phát tác các triệu chứng của hội chứng cai, ví dụ về mặt điều trị lâm sàng, thường sử dụng phương pháp dùng thuốc thay thế để tạm thời khắc phục nghiện sinh lý; Nghiện tâm lý là sau cắt cơn một thời gian vẫn không ức chế được sự thèm muốn ma túy mãnh liệt, do đó hầu hết tất cả người nghiện đều không chống lại được sự thèm thuốc. Đối với nghiện tâm lý, các phương pháp điều trị truyền thống hiệu quả rất thấp. Cho nên trong số người cai nghiện ma túy, thì tỷ lệ tái nghiện cao đạt hơn 90%.

Hành vi thèm thuốc và tái nghiện có quan hệ mật thiết với mức  Glucocorticoides dưới điều kiện kích ứng và kích hoạt nhớ thuốc [4,5]. Chuột nhắt sau khi hình thành tính lệ thuộc tinh thần vào morphine sẽ xuất hiện hành vi chỉ thích bên ngăn có chứa morphine của chuồng CPP, qua một thời gian nhất định (khoảng 9 ngày) thì sở thích bên ngăn có morphine của chuột biến mất. Nhưng khi cho dùng Hydrocortisone (5mg/kg, tiêm dưới da) có thể tái hiện sở thích thích bên có morphine của chuột nhắt, có thể cho rằng chuột nhắt đã “tái nghiện”. Kết quả thực nghiệm chứng minh, Cedemex có tác dụng chặn đứng sự tái hiện sở thích thích bên có morphine dưới kích thích của Glucocorticoides ngoại sinh.

1. Nguyên vật liệu và máy móc

1.1 Thuốc:

          - Cedemex dạng viên nang, 500mg/viên nang, do Viện Nghiên cứu điều trị các bệnh hiểm nghèo Việt Nam cung cấp.

          - Dung dịch tiêm Naloxone clohydrat, do công ty TNHH dược phẩm Ích Kiều (Hồ Nam) sản xuất, số lô: 20030706.

          - Dung dịch tiêm morphine clohydrat, xí nghiệp dược Số 1 Thẩm Dương sản xuất,  số lô: 20040402.

1.2 Động vật: Chuột nhắt giống Côn Minh, đực cái bằng nhau (chuột nhắt đực, cái nuôi ở chuồng riêng, tránh cho chuột cái vì có thai làm tăng thể trọng … ảnh hưởng đến kết quả thí nghiệm), 20~24g, do trung tâm động vật thí nghiệm của trường Đại học Y khoa Quảng Tây cung cấp.

1.3 Thiết bị và Máy móc: Dùng chuồng thí nghiệm sở thích vị trí có điều kiện là một chuồng 2 ngăn hình chữ nhật. Màu sắc 2 ngăn không giống nhau, sử dụng màu đen và màu trắng, bốn thành xung quanh nhẵn bóng, mặt sàn phân biệt sử dụng mặt thô ráp và mặt nhẵn bóng, giữa 2 ngăn có lối qua lại. Thiết bị, camera, hệ thống phân tích hành vi do công ty TNHH phần mềm Cát Lượng Thượng Hải cung cấp.

 

2. Phương pháp thực nghiệm

2.1 Mô hình lệ thuộc morphine về tinh thần[4,5]:

Sử dụng chuồng thí nghiệm sở thích vị trí có điều kiện (CPP) để tiến hành thí nghiệm, thí nghiệm cần tiến hành dưới điều kiện yên tĩnh. Đầu tiên chọn lọc chuột nhắt làm thì nghiệm, đặt chuột nhắt vào lối qua lại của chuồng 2 ngăn, cho phép thăm dò 2 ngăn đen trắng trong 5 phút, sau đó ghi chép lại thời gian ở ngăn đen trong 15 phút của chuột nhắt. Liên tục thí nghiệm trong 3 ngày. Chọn chuột nhắt chỉ thích ngăn đen làm chuột thí nghiệm. Ngẫu nhiên phân nhóm. Buổi sáng (9 giờ) cho dùng morphine theo liều lượng tăng dần lần lượt là 20mg/kg, 40mg/kg, 60mg/kg, 80mg/kg, 100mg/kg, 100mg/kg, 100mg/kg, tiêm dưới ra rồi lập tức thả vào ngăn trắng, cho chúng ở đó 60 phút. Buổi chiều (15 giờ) tiêm dưới da dung dịch NaCl 0,9% sau đó thả vào ngăn đen. Mỗi lần ở lại trong ngăn 60 phút, liên tục trong 7 ngày. Chuột nhắt sau huấn luyện dùng morphine từ thích ngăn đen chuyển sang thích ngăn trắng, hình thành tính lệ thuộc vào morphine. Ngày thứ 8, 9, 10 (sau ngừng dùng morphine ngày thứ 1, 2, 3) đem từng con chuột nhắt thả vào chuồng, 5 phút đầu không ghi chép, sau đó ghi chép thời gian ở ngăn đen của chuột trong 15 phút. Về sau cách 1 ngày quan sát ghi chép một lần, cho đến khi quan sát thấy chuột nhắt hồi phục sở thích thích ngăn đen như trước lúc dùng thuốc.

2.2 Phân nhóm động vật và cho thuốc:

          Đối với chuột nhắt nghiện morphine ngừng dùng morphine sau 9 ngày, thì sở thích thích ngăn trắng biến mất. Lúc này tiến hành phân ngẫu nhiên số chuột nhắt này thành 5 nhóm gồm: Nhóm đối chứng, nhóm morphine (nhóm đối chứng dương tính), nhóm Cedemex liều thấp, nhóm Cedemex liều trung bình, nhóm Cedemex liều cao, mỗi nhóm 10 con.

-         Nhóm đối chứng cho dùng dung dịch tiêm NaCl.

-         Nhóm morphine (nhóm đối chứng dương tính): tiếp tục cho dùng morphine.

-         3 nhóm còn lại cho dùng Cedemex liên tục trong 5 ngày, mỗi ngày 2 lần.

Ngày thứ 6 tiêm dưới da thuốc kích thích tái nghiện Hydrocortisone, 15 phút sau thả chuột nhắt vào chuồng, cho phép thăm dò hai ngăn đen trắng 5 phút, sau đó quan sát ghi chép thời gian ở ngăn đen của chuột nhắt.

2.3 Xử lý số liệu thống kê :

Dùng phần mềm thống kê SPSS để xử lý số liệu, số liệu dùng (±s) để biểu thị, so sánh giữa các nhóm Test t.

3. Kết quả thử nghiệm

          Các nhóm chuột nhắt sau khi cho dùng morphine thời gian trung bình ở ngăn đen giảm rõ rệt, chứng minh chuột nhắt đã sản sinh hành vi thích ngăn trắng, tức chuột nhắt đã hình thành tính lệ thuộc vào morphine, xem bảng 1.

So sánh thời gian trung bình ở ngăn đen giữa nhóm chuột nhắt sử dụng Cedemex liều cao, trung bình sau dùng Hydrocortisone với nhóm chuột nhắt trước khi cho dùng morphine và trước khi sử dụng Cedemex, sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê, còn so sánh với nhóm sau dùng morphine, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, chứng minh 2 liều Cedemex cao và trung bình đã có tác dụng loại trừ hành vi thích ngăn trắng của chuột nhắt, tức Cedemex có tác dụng tương đối mạnh trong việc khống chế tính lệ thuộc tinh thần vào morphine (tác dụng chống tái nghiện), xem bảng 1.

So sánh thời gian trung bình ở ngăn đen giữa nhóm chuột nhắt sử dụng Cedemex liều thấp sau dùng Hydrocortisone với nhóm chuột nhắt trước khi dùng Cedemex thì sự khác biệt không rõ rệt, tuy nhiên so sánh với nhóm chuột nhắt trước khi dùng morphine thì sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, so sánh với nhóm sau dùng morphine sự khác biệt rất rõ rệt, chứng minh Cedemex liều thấp đã loại trừ được hành vi thích ngăn trắng của chuột nhắt, tức Cedemex liều thấp cũng có tác dụng chống lại tính lệ thuộc tinh thần vào morphine, xem bảng 1.

So sánh thời gian trung bình ở ngăn đen giữa nhóm chuột nhắt dùng morphine sau dùng Hydrocortisone với nhóm trước khi dùng morphine và nhóm trước khi tiếp tục cho dùng morphine sự khác biệt rất rõ rệt, nhưng so sánh với nhóm sau dùng morphine thì sự khác biệt không rõ rệt, chứng minh Hydrocortisone không có khả năng loại trừ hành vi thích ngăn trắng của chuột nhắt, xem bảng 1.

So sánh thời gian trung bình ở ngăn đen giữa nhóm chuột nhắt dùng dung dịch NaCl 0,9% sau kích thích bằng Hydrocortisone với nhóm chuột nhắt trước khi cho dùng morphine và trước khi cho dùng thuốc cai nghiện, sự khác biệt rất rõ rệt, nhưng so sánh với nhóm sau dùng morphine thì sự khác biệt không rõ rệt, chứng minh dung dịch NaCl 0,9% không có khả năng loại trừ hành vi thích ngăn trắng của chuột nhắt nghiện morphine, còn Hydrocortisone có khả năng kích thích chuột nhắt nghiện morphine tạo ra hành vi thích ngăn trắng, tức có khả năng kích thích chuột nhắt tạo ra  hành vi tái nghiện morphine, xem bảng 1.

 

 

Bảng 1: Thời gian trung bình ở ngăn đen của các nhóm chuột nhắt

 (đơn vị giây), (±s, n=10)

 

Phân nhóm

Trước khi cho dùng morphine

Sau khi dùng morphine

Trước khi cho dùng Cedemex

Sau khi dùng Hydrocortisone

Cedemex liều cao

755,30±26,28

227,70±90,35

715±37,61

723,00±56,65***

Cedemex liều trung bình

701,92±38,74

272,08±73,80

695,23±41,83

654,0±39,66***

Cedemex liều thấp

736,14±20,02#

281,57±51,30

679,79±47,31

619,29±39,66***

Nhóm morphine

728,08±18,21

309,31±82,75

726,54±48,89

349,54±90,72 ∆∆∆

Nhóm dung dịch NaCl 0,9%

717,18±19,89

288,11±55,52

731,11±57,95

380,11±63,06▼▼▼

 

         So sánh với nhóm sau dùng morphine : ***P<0,001;

So sánh với nhóm sau khi kích thích bằng Hydrocortisone  #P<0,05

So sánh với nhóm trước khi dùng morphine và nhóm trước khi cho tiếp morphine:  ∆∆∆P<0,001

So sánh với nhóm trước dùng morphine và trước dùng dung dịch NaCl 0,9%   ▼▼▼P< 0,001

Chú ý: 3 nhóm chuột nhắt dùng Cedemex liều cao, trung bình, thấp, nhóm chuột nhắt dùng morphine, nhóm chuột nhắt dùng dung dịch NaCl 0,9% trước khi dùng Hydrocortisone lần lượt cho dùng Cedemex, morphine, dung dịch NaCl 0,9%

 

4. Thảo luận

          Trong những năm gần đây thí nghiệm CPP là một thí nghiệm có hiệu quả được dùng rộng rãi để đánh giá tiềm năng tính phụ thuộc tinh thần vào thuốc, sau khi morphine tạo ra sở thích vị trí có điều kiện, thời gian duy trì khoảng 30 ngày[7]. Có nhiều loại chất kích thích để kích ứng, trong thí nghiệm động vật thường sử dụng như là cho bơi bắt buộc, sốc điện, cách ly, hạn chế ăn uống... Đặc tính chung của kích ứng là kích hoạt trục dưới đồi tuyến yên vỏ tuyến thượng thận (HPA), làm cho tuyến thượng thận giải phóng ra Glucocorticoides. Glucocorticoides ngoại sinh có thể làm tăng giải phóng Dopamin tại các vùng NAcc và VTA, làm cho cơ thể tạo ra phản ứng tâm lý và hành vi lệ thuộc vào nhóm chất Opi hoặc thuốc gây hưng phấn tinh thần, làm tăng sở thích vị trí có điều kiện đối với morphine của chuột nhắt, đạt được kết quả kích ứng giống nhau[5].

Kết quả nghiên cứu thực nghiệm này cũng chứng minh Hydrocortisone có khả năng kích thích chuột nhắt tạo ra hành vi tái nghiện morphine, còn Cedemex chống lại hành vi tái nghiện morphnine khá mạnh.

Tổng lại những điều đã nói ở trên, dùng thí nghiệm CPP, morphine, Hydrocortisone có khả năng thiết lập mô hình lệ thuộc tinh thần vào morphine, Cedemex có tác dụng kháng tính lệ thuộc tinh thần vào morphine khá mạnh.

   Dịch thuậtTrần Lộc – ĐH dược Hà Nội.

     ThS .BS.Kiều Tố Uyên –Viện Radiner

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1)     Diệp Quân, Mông Vĩ  Khanh, Vĩ Thế Tú...

          Xây dựng mô hình tái nghiện Heroin

          Học báo Đại học Y khoa Quản Tây 2003, 20(6), 832-835

2)     Vĩ Tiến Lương, Chu Yến

          Nghiên cứu thay đổi kết cấu mô vi của não chuột cống nghiện heroin

          Học báo của Đại học Y Quảng Tây, 2003, 20(6) 835-837

3)     Lý Lợi Hoa

          Nghiên cứu biến đổi bệnh lý vi kết cấu của hệ thống miễn dịch và phân       tiết thần kinh của người nghiện heroin

          Tạp chí Pháp y Trung quốc, 2001, 17 (3), 145-147

4)     Bác Thu Sinh, Bào Yến Yến, Y Thục Chân..

          Nghiên cứu tác dụng  của Alcaloide toàn phần của Hoa răng chó Vân nam trong việc ngăn chặn sở thích vị trí tái nghiện trên  chuột nhắt nghiện morphine

          Học báo Dược học Quân giải phóng trung quốc, 2004, 20 ( 5), 352- 355

5)     Lục Lân, Hoàng Minh Sinh, Lý Tĩnh..

          Nghiên cứu tác dụng thúc đẩy của Glucocorticoide và bơi cưỡng bức thúc đẩy sở thích vị trí có điều kiện của chuột nhắt đối với morphine

          Tạp chí Tâm thần Trung Quốc, 2000, 33(1). 35-37

6)     Vạn Hưng Vượng, Hoàng Mâu, Lý Vạn Hợi

          Nghiên cứu mô hình thực nghiệm dùng để đánh giá tính lệ thuộc tinh thần của thuốc

          Học báo Đại học quân y, 1998, 19( 4), 383-384

7)     Đào Thanh,  Trịnh Tiếp Vượng

          Thí nghiệm sở thích vị trí có điều kiện

          Thông báo tính lệ thuộc ma túy Trung Quốc, 1996, 5(2), 68-73

Liên hệ

radiner 1

Viện nghiên cứu điều trị các bệnh hiểm nghèo

Bản quyền © 2012 - 2022

Liên hệ: Viện nghiên cứu điều trị các bệnh hiểm nghèo

Địa chỉ: Km10, Đường số 5, KCN Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội.

Hotline: Dr. Phú Kiều - Tel: 0915799966

            Ths.Bs. Kiều Tố Uyên - Tel: 0944054696

Email: Radinervn@gmail.com

Bản đồ đường đi