Cai nghiện bằng Cedemex tại Kiên Giang: Hiệu quả và những bước tiếp theo
Thứ hai 03/08/2020 15:24
Với tỷ lệ người người không còn sử dụng ma túy và lệ thuộc ma túy chiếm 56% tổng số người thực hiện thí điểm điều trị cắt cơn, cai nghiện bằng Cedemex, tỉnh Kiên Giang tính đến việc tiếp tục thí điểm và mở rộng mô hình điều trị này đến năm 2025.
Mỗi năm số người nghiện tăng bình quân khoảng 12%
Kiên Giang là tỉnh có nhiều lợi thế với đường biên giới giáp với 3 nước, nhiều cảng hàng không, cảng biển, có casino, trường đá gà; có nhiều khu công nghiệp cũng như trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp nghề đóng trên địa bàn, nên hàng năm có hàng trăm ngàn người từ các tỉnh khác đến làm việc, lao động và học tập ở lưu trú và tham quan du lịch.
Bên cạnh những mặt tiến bộ, việc phát triển kinh tế thương mại, dịch vụ du lịch vốn năng động sẽ không thể tránh khỏi việc phát sinh tệ nạn xã hội, là điều kiện để tội phạm về ma túy trao đổi, mua bán từ nước ngoài vào kể cả trên biển và trên đường bộ.
Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang, tình hình tệ nạn ma túy đang có xu hướng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp. Mỗi năm số người nghiện tăng bình quân khoảng 12%. Tỷ lệ tái phạm, tái nghiện bình quân hàng năm trên 90%. Năm 2020 số người nghiện có hồ sơ quản lý 2.484 người tăng 1.264 người so với năm 2016 (nam chiếm 95%, nữ chiếm 5%); người nghiện từ 16 tuổi đến dưới 30 tuổi 48%, từ 30 tuổi trở lên 52%), phần lớn là lao động nông nghiệp, lao động tự do, việc làm không ổn định, sống phụ thuộc gia đình. Điều đáng lo ngại hiện nay là người nghiện ma túy có độ tuổi trẻ tăng rất nhanh (hơn 1,8 lần).
Bên cạnh đó, một bộ phận học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên sử dụng các chất kích thích mới và tổ chức thành băng, nhóm, các em ở độ tuổi vị thành niên bỏ học lang thang, gây rối trật tự công cộng, bạo lực học đường.... diễn ra ngày càng phức tạp; một số cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm như: Nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, quán bar, cà phê đèn mờ, karaoke, massge và nhiều hình thức kinh doanh khác để lợi dụng hoạt động mua bán ma túy.
Hằng năm, Cơ sở cai nghiện ma túy đã tổ chức cai nghiện cho trên 400 lượt người, đạt 18% tổng số người nghiện ma túy bằng cả hai hình thức là cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc. Trung bình một người nghiện được cai ít nhất là 1 lần, cao nhất 3 lần, song hiệu quả còn thấp, tỷ lệ không sử dụng lại ma túy dưới 20%.
Hiệu quả thí điểm cai nghiện bằng Cedemex
Thời gian qua, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang đã triển khai thực hiện mô hình cai nghiện bằng thuốc Cedemex tại 6 huyện, thành phố tại 12 xã, phường, thị trấn (thị trấn Dương Đông và thị trấn An Thới huyện Phú Quốc; thị trấn Minh Lương và xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành; thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương; thị trấn Giồng Riềng, huyện Giồng Riềng; thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp; phường Vĩnh Lạc, Vĩnh Quang, An Hòa, Rạch Sỏi, Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá) với 18 ca và tại Cơ sở cai nghiện ma túy đa chức năng tỉnh là 32 ca.
Tuyên truyền sử dụng Cedemex để điều trị nghiện. Ảnh Nhật Thy
Kết quả cho thấy, sau khi sử dụng có 28/50 người không còn sử dụng ma túy lệ thuộc ma túy, chiếm 56% (vượt 26% so với mục tiêu ban đầu đề ra).
Có 22/50 người tham gia thực hiện thí điểm không thành công, chiếm 44%. Cụ thể,19 người tái nghiện, trong đó (đang tiếp tục cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở cai nghiện ma túy đa chức năng tỉnh 8 người; 11 người rời bỏ địa phương sống, không có nơi cư trú ổn định). 3 người bị cơ quan công an tạm giam về tội gây rối trật tự nơi công cộng và trộm cắp tài sản.
Tiếp tục thí điểm đến năm 2025
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ cắt cơn cai nghiện và điều trị nghiện ma túy ở tại gia đình, tại cộng đồng (nhóm Opiates); từng bước giảm dần số người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh; góp phần xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy; kiềm chế sự gia tăng các tội phạm về ma túy và các tệ nạn xã hội khác; phòng ngừa sự lây lan đại dịch HIV/AIDS, giảm tác hại của ma túy đến sức khỏe, gia đình, xã hội và an ninh trật tự, UBND tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt Đề án thí điểm điều trị cắt cơn, cai nghiện ma túy bằng thuốc Cedemex tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn với tổng kinh tế trên 3,2 tỷ đồng.
Mục tiêu cụ thể là nâng tỷ lệ không sử dụng lại ma túy đạt 50% trở lên (theo số lượng người nghiện chất ma túy của Đề án này). Làm chuyển biến nhận thức của các cấp, các ngành và gia đình có người nghiện ma túy, người nghiện ma túy hiểu một cách đầy đủ về căn bệnh nghiện ma túy, tác hại của tệ nạn ma túy. Đồng thời nâng cao năng lực, kỹ năng tư vấn dự phòng và điều trị nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng cho tình nguyện viên và cán bộ Cơ sở cai nghiện ma túy.
Đề án được thực hiện tại 35 xã, phường, thị trấn thuộc 10 huyện, thành phố và Cơ sở cai nghiện ma túy đa chức năng tỉnh
Tổng số đối tượng thực hiện Đề án trong 5 năm là 200 người. Bình quân hằng năm là 40 người. Ưu tiên lựa chọn hỗ trợ cho người nghiện ma túy là con đối tượng chính sách theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, chính sách xã hội (60 người chiếm 30%).
Đối tượng thực hiện Đề án cần có đủ các điều kiện như: là người nghiện ma túy đã được xác định nghiện của cơ quan chuyên môn thuộc nhóm Opiates, có hồ sơ quản lý và hộ khẩu thường trú ở địa phương. Người nghiện ma túy có đơn tự nguyện xin cai nghiện bằng thuốc Cedemex tại gia đình và tại cộng đồng. Gia đình có cam kết và đủ điều kiện quản lý người nghiện ma túy tham gia thực hiện Đề án trong và sau khi dùng thuốc Cedemex. Người nghiện ma túy phải được UBND và tổ chức đoàn thể xã, phường, thị trấn xét chọn, đề nghị cho sử dụng thuốc Cedemex trong hỗ trợ điều trị cắt cơn, cai nghiện ma túy tại gia đình và tại cộng đồng. Người nghiện ma túy và gia đình có người nghiện ma túy phải chấp hành đầy đủ những cam kết và hướng dẫn, quy trình, phác đồ điều trị trong suốt quá trình hỗ trợ điều trị cắt cơn, cai nghiện ma túy bằng thuốc Cedemex cho người nghiện do Viện Nghiên cứu điều trị các bệnh hiểm nghèo hướng dẫn; thực hiện đúng các quy trình, thủ tục theo quy định hiện hành của Nhà nước về cai nghiện ma túy tại gia đình, tại cộng đồng và quản lý phục hồi sau cai, phòng chống tái nghiện cho người nghiện ma túy.
Người nghiện ma túy thuộc gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, người chưa thành niên, người thuộc diện bảo trợ xã hội, người khuyết tật được hỗ trợ toàn bộ thuốc điều trị theo phác đồ điều trị là 6 tháng.
Nếu gia đình không thuộc đối tượng được miễn, giảm các khoản đóng góp thì gia đình có người nghiện ma túy và người nghiện ma túy phải thực hiện đầy đủ cam kết và đóng góp từ một nửa chi phí theo phác đồ điều trị trở lên (phác đồ là 6 tháng).
Hy vọng, việc triển khai đề án sẽ sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác tổ chức cai nghiện ma túy ở gia đình và cộng đồng, nâng cao hiệu quả phòng, chống tái nghiện cho người nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện mà không ràng buộc bằng biện pháp bắt buộc (pháp lý).
Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để người nghiện ma túy được tiếp cận, kết nối với các dịch vụ y tế-xã hội ngay tại cộng đồng, hỗ trợ điều trị cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.
Thông qua việc thực hiện Đề án sử dụng thuốc hỗ trợ điều trị cắt cơn, cai nghiện ma túy bằng thuốc Cedemex còn thuận lợi cho công tác chăm sóc sau cai, tư vấn dự phòng tại cộng đồng, địa phương để cho người nghiện ma túy phòng, chống được tái nghiện, hòa nhập vơi cộng đồng bền vững.
Nhật Thy